Việc cải cách cờ Tướng diễn ra rất thành công và hoàn chỉnh tới mức ngót một nghìn năm qua nó hoàn toàn ổn định, không có thêm bất kỳ sự thay đổi nào trên bàn cờ, trong khi trong suốt thời gian đó, cờ Vua đã phải trải qua rất nhiều cải tiến mới có được cờ Vua như bây giờ

Cờ tướng - cuộc cải cách phi thường - dấu ấn nghệ thuật đặc sắc của phương Đông BwMSaqv

Khi Chaturanga tới được Trung Quốc thì người Trung Hoa vừa chơi vừa ngẫm nghĩ: rằng hay thì thật là hay nhưng lại quá lạ lẫm và có cái gì đó có vẻ "không ổn" đối với một đất nước Khổng giáo theo khuôn phép "trung quân ái quốc", trên dưới nghiêm ngặt, con người sống theo đạo lý phương đông "nhân nghĩa trí dũng". Việc trên mỗi bàn cờ có một vị vua, vạn bàn cờ có vạn vị vua mà từ người lớn tới trẻ con, từ kẻ giàu tới kẻ hèn cứ thi nhau rượt đuổi để chém chết vua. Trước khi nhấc vua ra khỏi bàn người ta còn đập một cái "chát" nảy lửa lên đầu vua rồi nhìn vua nằm chết lăn quay mà phá ra cười hể hả. Tất cả những điều đó không chỉ động chạm tới phép "kỵ húy" mà còn là một sự ngỗ ngược, phạm thượng công khai và biết đâu từ đó sẽ nảy ra ý đồ phản nghịch của những "loạn thần tặc tử".

Không thể để một loại cờ "ngoại" làm bại hoại "luân thường đạo lý" như thế. Nhưng nói cho cùng thì loại cờ mới lại rất hay, ai cũng thích chơi, dẫu có ngăn cấm thì vẫn còn khối kẻ chơi lén lút.

Các đại thần bèn đi tới quyết định: vẫn để chơi nhưng phải thay đổi triệt để, phải xoá tan những dấu vết kích động sự "phản nghịch", phải Trung Hoa hóa cờ này về mọi phương diện, biến của ngoại thành của nội. Ở một đất nước như Trung Hoa thì ý của bề trên được coi như "thánh chỉ", thần dân chỉ có việc nhất nhất tuân theo chứ không còn bàn cãi gì thêm. Cuộc cải cách cờ Tướng được thần dân chấp hành răm rắp. Điều đó giải thích tại sao việc cải cách cờ Tướng diễn ra rất thành công và hoàn chỉnh tới mức ngót một nghìn năm qua nó hoàn toàn ổn định, không có thêm bất kỳ sự thay đổi nào trên bàn cờ, trong khi trong suốt thời gian đó, cờ Vua đã phải trải qua rất nhiều cải tiến mới có được cờ Vua như bây giờ.

Trước tiên họ "làm phép" để biến "vị thiên tử" thành một "tướng quân" nhằm chấn dứt sự "mang tiếng" tệ hại nhất. Đã thành Tướng rồi thì thiên hạ tha hồ mà chém giết. Ở đất nước này trận chiến nào mà chẳng có tướng rơi đầu dưới gươm. Thật là một sáng kiến hết sức khôn ngoan để tránh tiếng, không ảnh hưởng gì tới "đương kim thánh thượng". Nhưng về thực chất thì đó vẫn là vua, ta phân tích kỹ ở phần sau.

Thế nhưng người Trung Hoa không dừng lại ở chuyện rất chi là "hình thức" ấy mà họ quyết tâm cải tiến cả phần nội dung. Họ không quan niệm cờ là một bãi chiến trường như cờ Vua được, hai bên phải là hai quốc gia giao chiến. Cuộc chiến ở Trung Quốc thường là giữa các quốc gia như Hán, Sở, Tề, Yên, Tần, Triệu... Đã là quốc gia thì phải có biên cương phân định rạch ròi. Thế là sông (từc "hà") ra đời. Mỗi quốc gia phải có thành quách, cung cấm, thế là cửu cung được hình thành. Việc sắp xếp thế nào để phải tạo ra sự cân đối, có ngôi độc tôn. Tới đây một bước ngoặt rất quan trọng đã được những bộ óc thông minh phi thường phương Đông táo bạo đề xướng: xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng các ô đen trắng xen kẽ nhau và việc đặt các quân vào 64 ô này. Thay vì các ô người ta chuyển sang đặt quân trên đường kẻ. Có như thế mới đáp ứng được các tiêu chí trên.

Sự thay đổi này mang lại hai ý nghĩa vô cùng quan trọng: Thứ nhất, tạo ra sự đối xứng, với trung tâm là "tướng" mà được ngầm hiểu đó chính là vua. Vua phải ở trung tâm, là ngôi độc tôn, phải ở trong cung cấm. Hai bên là hai cận thần (Sĩ phò tá). Bộ ba này không bao giờ được phép rời bỏ cung cấm theo quan điểm "nước một ngày không thể không có vua". Khác hẳn với Chaturanga là vua có thể chạy lông nhông sang cả bên trận địa đối phương. Tên là quân Tướng nhưng thực chất là Vua một trăm phần trăm (nên có thể nói cờ Tướng đúng ra phải gọi là cờ Vua, còn cờ Vua thì cứ xem cách hoạt động của vua trên bàn cờ thì nên gọi là cờ Tướng mới chính xác).

Tiếp theo là hai con Tượng (voi) cũng thuộc đội vệ binh vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa phòng thủ từ xa, nhưng không được sang bên trận địa đối phương vì người ta nhận ra rằng nếu chỉ có hai anh Sĩ "trói gà không chặt" bảo vệ vua thì vua dễ chết như chơi. Kế đến là đội quân dã chiến gồm kỵ binh và xa trượng. Nhìn vào ta thấy đó là cả một triều đình hoàn chỉnh: có thành cao hào sâu, có cung cấm, có bá quan văn võ xếp hàng đối xứng chầu hai bên, có các binh chủng quan trọng nhất, theo đúng sự cân đối trong mọi cấu trúc của Trung Hoa.

Thế nhưng ngay lập từc một vấn đề không nhỏ xuất hiện: nếu ở Chaturanga với mỗi hàng 8 ô thì 16 quân bố trí thành 2 hàng vừa vặn và đẹp đẽ. Còn ở đây, nếu một hàng đã chiếm mất 9 quân, thì 7 quân còn lại sẽ bố trí ra sao để vẫn giữ được sự cân đối? Quả là nan giải với số 7 lẻ, nhưng rốt cuộc cũng được người Trung Hoa giải quyết trọn vẹn, tài tình: Trước tiên người Trung Hoa đã biết thoát khỏi "khuôn phép" của Chaturanga là cứ phải bố trí hai hàng quân liền kế nhau. Theo họ cách bố trí như thế là khiên cưỡng, làm cho toàn bộ các quân đứng phía sau bị "đóng băng" rất khó "cựa quậy", mà theo binh pháp Tôn Tử của Trung Hoa, đây là điều tối kỵ. Với phép dụng binh biến hóa theo "Bát quái trận đồ" thì tất cả các cửa đều phải liên thông, tạo ra sự biến hoá khôn lường, cực kỳ linh động. Ở đây có sự vận dụng tư tưởng của binh pháp Trung Hoa để giải quyết việc cải cách Chaturanga.

Trước hết, họ giảm 7 quân Tốt còn có 5 và dứt khoát đẩy hẳn Tốt lên sát biên giới theo quan niệm "lính trấn biên ải" đồng thời chúng trở thành lực lượng xung kích vượt trường giang tràn sang đất địch. Với 5 Tốt đứng cách đều ở 9 đường dọc, xem ra cân đối, hài hòa biết bao. Cũng từng có người giải thích việc sử dụng 5 Tốt là do xưa kia người ta tổ chức lính thành nhóm 5 một. Cách giải thích này hoàn toàn không thoả đáng vì mỗi thời một khác: có thời người ta bố trí theo kiểu "tam tam" tức là 3 lính thành một nhóm, có thời người ta lại bố trí 12 lính thành một cơ đội (như tiểu đội bộ binh hiện đại). Việc bố trí năm Tốt trên bàn cờ chủ yếu là do cấu trúc của bàn cờ quyết định.

Như thế 14 quân đã được bố trí xong, còn lại 2 quân. Như thế là tên các quân cờ theo như tên của Chaturanga, nào là Vua (Tướng), Cố vấn (Sĩ), Tượng binh, Kỳ binh, Chiến xa, Bộ binh thế là hết rồi. Hai quân còn lại sẽ có tên gì đây. Rõ ràng là trên bàn cờ Chaturanga được Trung Hoa hóa hai quân này sẽ phải có tên hoàn toàn mới lạ. Những bộ óc kiệt xuất của đất nước này, sau nhiều suy nghĩ đã nảy ra một ý tưởng mang tính đột phá cực cao: sáng tạo ra quân Pháo. Quân cờ thần diệu này sẽ là cốt lõi và tinh hoa của cờ Tướng. Nó đưa cờ Tướng tới một địa vị vẻ vang không ngờ, cho đến tận ngày nay, tất cả những học giả phương Tây khi nghiên cứu về văn hoá Trung hoa khi nghiên cứu tới cờ Tướng thì thảy đều vô cùng kinh ngạc và khâm phục trước cặp Pháo thần tình, độc đáo với những tính năng phi thường, cách đi và bắt quân diệu ảo của nó. Chính cặp Pháo đã làm cho cờ Tướng khác xa cờ Vua và vượt lên một bậc rất cao so với Chaturanga cổ xưa vốn dĩ khá chậm chạp và còn nhiều ách tắc. Vâng, sau ngót nghìn năm tồn tại, một kết luận chắc nịch đã được đúc kết "Pháo là linh hồn của cờ Tướng". Người châu Âu cũng đã sử dụng pháo trên chiến trường rất lâu, nhưng những bộ óc thông minh bậc nhất châu Âu chưa hề nghĩ tới phương án đưa Pháo vào bàn cờ.

Nước đi của Pháo mới lạ lùng và thú vị làm sao: tiến lùi ngang dọc y như Xe, nhưng đến khi khai hỏa thì chúng như một dàn hỏa tiễn bắn lên không trung theo hình cầu vồng rồi "rót" xuống đầu đối phương. Như thế chính người phương Đông đã biến bàn cờ chỉ có hai chiều (mặt phẳng) thành bàn cờ có ba chiều (có cả chiều cao) tức là từ "diện tích" trở thành "không gian". Cũng có nghĩa là cuộc giao chiến không chỉ ở mặt đất như Chaturanga hay ở Vua mà còn ở cả trên không trung nữa (như tên lửa mang đầu đạn vậy).

Chính là cờ Tướng chứ không phải loại cờ nào khác nhờ những đòn đánh Pháo mà trở nên cực kỳ sinh động, hấp dẫn, với những ý tưởng tấn công hay hiệp đồng tấn công táo bạo, bay bổng đến mức không ngờ. Cặp Pháo được đặt ở hai vị trí lý tưởng: đi ngang hay đi dọc đều thông suốt và đều phát huy "hỏa lực", tới mức tối đa, mà Đương đầu Pháo được coi là trận "xáp lá cà" hấp dẫn bậc nhất. Pháo là tinh túy của cờ Tướng tới mức từ cổ chí kim, tất cả các tác phẩm kinh điển của Tượng kỳ không có quyển nào là không đề cập tới những đòn đánh Pháo, từ Quất Trung Bí, Mai Hoa Phổ cho tới Bách Cục Tượng Kỳ Phổ, Phản Mai Hoa... cho tới tận thời kỳ đương đại, những quyển sách chuyên về Pháo vẫn chiếm đại đa số trong kho tàng lý luận và thực tiễn cờ Tướng.


Người ta đã đổ không biết bao nhiêu giấy mực và công sức để nghiên cứu những đòn đánh Pháo từ khai cuộc, trung cuộc tới tàn cuộc. Có tới hàng chục, thậm chí ngót trăm thế trận của Pháo, tử đơn Pháo tới đôi Pháo, Pháo tấn công, Pháo phòng thủ, Pháo kẹp quân, Pháo ngáng đường đối phương, Pháo cản Mã, Pháo giơ lưng đổ đòn cho những nước chiếu tướng chết người, ở tàn cuộc Pháo hợp với những anh Sĩ "thư lại" ngay tại hoàng cung của mình hoàn toàn có thể tiêu diệt Tướng đối phương ở xa tít mù trong cung bên kia. Pháo có thể phát hỏa ngay khi cuộc cờ mở màn mà cũng có thể lẳng lặng chui vào góc kín nằm chờ thời cơ hay chơi đòn độc cùng Xe thực hiện nước "chiếu rút" kinh hoàng. Những nước chiếu rút lặp đi lặp lại như thế chẳng khác nào chiếc cối xay lần lượt nghiền nát lực lượng đối thủ... Còn có những thế trận Pháo được đặt tên như Uyên ương Pháo, Quy bối Pháo, Thiên phong Pháo... biết bao hấp dẫn và đồng thời cũng mở ra những cuộc tranh luận không ngớt về tính nghệ thuật, điểm mạnh điểm yếu, cái hay cái dở của từng thế trận, cho đến nay cuộc tranh luận vẫn không hề ngừng.

Cứ nhìn vào bàn cờ Tướng và bàn cờ Vua ta sẽ thấy cách bố trí ba lớp quân ở toàn trận địa của cờ Tướng thật là sinh động, có tầng có lớp và mang ý nghĩa rất rõ rệt. Trong khi Tướng được bảo vệ bằng ba vòng vững chắc thì việc công kích đối phương cũng rất thông suốt. Không phải tất cả các quân đều được phép xông sang đất địch như cờ Vua mà là có kẻ được xông ra chiến trận, có người phải luôn ở nhà. Mỗi một quân được xác định một vai trò dứt khoát và bình ổn từ đầu cho tới cuối ván cờ, không có những biến động như kiểu được "phong cấp" ở cờ vua và cũng rất ít những ngoại lệ cần phải ghi nhớ. Các quân đều cơ động, thoáng đãng, ngay ở khai cuộc cũ nó đã có tới hàng chục nước ra quân linh hoạt, thậm chí hai bên có thể bắn phá tiêu diệt nhau ngay, không quân nào "chèn ép" quân nào. Việc mất mát một vài Tốt ngay từ đầu cũng không thành một "thảm họa" như trong cờ vua. Cờ tướng mang đậm tính cách và quan niệm về chiến cuộc của người phương Đông.


Ở đây cũng có một việc chúng ta không thể không nhắc tới: Vì sao ở Chaturanga những quân cờ có hình khối còn ở cờ Tướng là những quân tròn bẹt đồng nhất. Ở Chaturanga mỗi một quân cờ là một hình tượng sinh động hẳn hoi như Vua cao nhất, đội vương miện, kỵ binh có hình một con tuấn mã... còn ở cờ tướng quân nào cũng như quân nào, chỉ có tên quân là khác nhau lại được viết bằng chữ Trung Quốc. Phải chăng trong lúc có những cải cách đột phá tuyệt vời trên thì chuyện này là một bước thụt lùi đáng kể? Vâng, ngày nay nhìn lại thì quả đây là một bước thụt lùi, bởi vậy gần đây, ngày càng có nhiều ý kiến đề nghị cải cách hình dáng các quân cờ Tướng và trên thực tế người ta đã đưa ra những phác thảo của những bộ quân mới, thậm chí trong một vài giải quốc tế người ta đã thử nghiệm đưa vào các quân cờ Tướng bằng hình tượng thay cho quân chỉ có chữ viết, nhất là khi cờ Tướng được chơi ở những nước không sử dụng tiếng Hoa. Việc cờ tướng dùng chữ Hoa cũng là lý do chính khiến cờ Tướng không được phổ biến rộng rãi. Những người ở châu Âu, châu Mỹ nhìn lên bàn cờ tướng chỉ thấy những chữ loằng ngoằng na ná nhau, khó phân biệt được đâu là Xe, đâu là Pháo. Điều đó đã làm họ nản lòng ngay từ đầu. Trong lúc đó bàn cờ Vua lại quá đẹp đẽ, chỉ cần liếc qua là biết ngay đâu là đức vua, đâu là bà Hoàng hậu, đâu là chàng kỵ sĩ và đâu là anh lính trơn. Chính vì vậy cờ vua đi tới đâu là thu hút, chinh phục người chơi tới đó, nhất là lớp trẻ. Ngay từ đầu họ đã thật sự bị cuốn hút bằng hình tượng mỹ thuật, sinh động của các quân cờ.

Tuy nhiên, nếu ta đứng về góc nhìn của người Trung Hoa từ thời xưa thì ta sẽ dễ dàng cảm thông được việc hình thành các quân cờ như thế cho tới nay: trước tiên việc thuộc lòng 7 chữ cái đối với họ là điều hoàn toàn không có gì khó khăn, vì đó là tiếng mẹ đẻ của họ. Muốn "thoát nạn mù chữ" họ phải học thuộc lòng hàng mấy nghìn chữ, chứ 5, 7 chữ thì thấm tháp gì. Hơn nữa, chữ Trung Quốc là chữ tượng hình chứ không phải các ký hiệu như chữ la tinh a, b, c... của chúng ta. Nhìn vào quân Xe ta thấy đúng là hình chiếc xe có hai bánh hai bên, chữ Tượng nom giống con voi, chữ Mã giống hình con ngựa, chữ Sĩ giống hình một vị quan đội chiếc mũ cách chuồn...

Xuất phát từ lòng tự tôn về ngôn ngữ và văn hóa của người Trung Hoa. Người ta muốn cờ Tướng là sản phẩm của họ chứ không phải do bắt chước hay sao chép của ai cả. Việc tốt nhất để chứng minh điều này là "ngôn ngữ hoá" quân cờ.
Nhưng điều thứ hai còn quan trọng hơn, đó là là điều kiện kinh tế: một bộ cờ kiếu như Chaturanga hay cờ Vua châu Âu là khá đắt tiền (hồi đó chưa có các loại nhựa rẻ để làm quân như bây giờ) trong lúc kinh tế còn đang rất kém phát triển so với châu Âu. Việc một bộ cờ đồng nhất, gọn nhẹ, dễ mang đi lại, dễ thay thế quân, tiện dụng mọi mặt mới phù hợp với phần đông người Trung Hoa bình dân như "anh kéo xe, chị bán tương", luôn sống trong sự cùng khổ vì chiến tranh liên miền, kinh tế lạc hậu. Vả lại trước cờ tướng đã có cờ vây, quân cờ vây cứ chằn chặn như nhau, người Trung Quốc cứ học theo cách làm quân theo kiểu cờ vây như thế cũng thật là tiện. Cờ Tướng không phải là một trò chơi sang trọng như cờ vua (hiện nay vẫn thế). Muốn tạo ra một bàn cờ tướng cũng cực kỳ đơn giản: chỉ cần lấy que vạch xuống nền đất hay lấy gạch vẽ ngay xuống nền thế là có bàn cờ ngay, trong lúc đó muốn tạo ra được một bàn cờ vua với 64 ô đen trắng xen kẽ thì phải công phu, rắc rối hơn nhiều (có lẽ vì thế người chơi cờ Tướng có thói quen ngồi xổm, khác nhiều so với thói quen ngồi bàn của người chơi cờ Vua).

Nguồn: [You must be registered and logged in to see this link.]