Dưới đây là bài viết đánh giá về các anh tài cờ tướng Trung Quốc đăng trên tạp chí Kỳ Nghệ tháng 1 năm 2008 (Tác giả : Nhạn Điểm Thanh Thiên) :
Từ năm 1956, khi giải vô địch cờ tướng quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, tính đến nay đã qua hơn 40 năm tranh đấu, kỳ đàn Trung Quốc đã chứng kiến sự lên ngôi của 13 nhà vô địch khác nhau. Họ đều là những danh kỳ thủ xuất chúng nổi bật hơn cả giữa hàng nghìn, hàng vạn các kỳ thủ khắp Trung Hoa. Tuy nhiên thời gian thì dài và anh hùng không hiếm nhưng mới chỉ xuất hiện có 3 nhân vật thiếu niên nhờ vào tài năng kiệt xuất mà có được vinh quang tột đỉnh khi tuổi đời chưa đến đôi mươi. Thực là những bậc anh tài, thiên tư kỳ lạ vậy!
Người thứ nhất khi mới ở tuổi 15 sinh ở thành phố Thượng Hải tên là Hồ Vinh Hoa, người thứ 2 sinh ở huyện Huệ Lai tỉnh Quảng Đông tên là Hứa Ngân Xuyên, còn người thứ 3 mới đây nhất tên là Triệu Hâm Hâm sinh ở huyện Ôn Lĩnh tỉnh Chiết Giang năm nay 20 tuổi nhưng đã lên ngôi cách đó 1 năm khi tuổi đời mới 19 mà thôi.
Năm 1960, thiếu niên Hồ Vinh Hoa lần đầu tham chiến tại giải đấu quốc gia toàn quốc ngay tại trận thứ nhất đã phải đụng độ “Kỳ đàn thần đồng” của tỉnh Hồ Bắc là Lý Nghĩa Đình mà không hề thua kém. Trận thứ 2 đụng độ “Sát tượng minh vương” của tỉnh Liêu Ninh là Mạnh Lập Quốc đã chiến thắng vẻ vang, gây cơn chấn động đầu tiên trong làng cờ. Trận thứ 3 tiếp kiến “Thần Châu đệ nhất nhân” và cũng là tượng kỳ quốc thủ, Dương Quan Lân, đã đánh 1 trận xuất thần, trung tàn ghê gớm buộc họ Dương phải đầu hàng. Sau đó liên hồi gây ra sóng to gió lớn, cuối cùng ở trận cuối cùng (trận thứ 10) gặp “Lão tiên nhân” Lưu Ức Từ, bằng tài cao chí lớn đã xảo diệu điều binh lập nên đại nghiệp mở đầu thời kỳ Hồ Vinh Hoa thập liên bá chủ kéo dài mãi sau này.
Hứa Ngân Xuyên tham gia kỳ đàn trong lúc quần hùng cát cứ phân tranh. Năm 1991, khi mới 16 tuổi đã đoạt hạng 3 toàn quốc được giới cờ đặt cho biệt danh là Tiểu Ngân Xuyên. Năm 1992, hội ngộ Hồ Vinh Hoa, lĩnh hội ý tứ cho rằng sau này sẽ là kỳ vương Trung Quốc. Năm 1993, Thanh Đảo hội chiến, Tiểu Hứa đệ nhất kỳ phong giáp mặt hàng loạt các anh hùng bách chiến như “Đông phương điện não” Liễu Đại Hoa, ”Yên Triệu kiêu tử” Lý Lai Quần, ”Giang Nam tài tử” Từ Thiên Hồng, ”Tân Đông Bắc Hổ” Triệu Quốc Vinh, ”Dương Thành thiếu soái” Lữ Khâm mà không hề nao núng và đã đánh đến trận cuối cùng chiến thắng trước “Bố cục chuyên gia” Hà Bắc Diêm Văn Thanh để đắc vị đăng quang chính thức hoành không xuất thế.
Triệu Hâm Hâm, Tiểu bá vương miền Hoa Đông lại là hiện tượng mới của kỳ đàn Trung Quốc ngày nay. Bắt đầu nổi danh từ những năm đầu của thế kỷ mới. Năm 2002, Tiểu Triệu đoạt ngôi vô địch Trung Quốc ở độ tuổi thiếu niên.Năm 2004, khi mới 16 tuổi đã đứng hạng 6 Trung Quốc được phong Tượng kỳ đại sư. Năm 2006, trong cuộc hội chiến vinh danh Dương tiền bối lại đoạt được đệ nhất Dương Quan Lân Bôi trước rất nhiều hảo thủ. Năm 2007, tại giải Y Thái Bôi toàn quốc tổ chức ở Nội Mông Cổ, phong độ thăng hoa, liên hồi bách chiến, sau đó dùng đến tuyệt kỹ cờ nhanh loại bỏ cả Triệu Quốc Vinh và Lữ thiếu soái để một mình độc chiếm ngôi đầu, trở thành người thứ 13 trong lịch sử Trung Quốc từ trước đến nay có được vinh dự tối cao này.
Ba vị Hồ, Hứa, Triệu khi mới ở tuổi thiếu niên đã 3 lần gây lên chấn động, làm xôn xao toàn bộ giới cờ, quả thật đều khiến người ta kinh ngạc !
Sở dĩ như vậy vì cả 3 khi còn rất nhỏ đều được thừa hưởng niềm say mê đánh cờ từ gia đình, được cha mẹ dạy dỗ, truyền thụ sự hứng thú, đam mê với các quân cờ kỳ lạ, chính là gốc rễ cơ bản nhất để phát triển tài năng trở thành những anh tài tiếng tăm lừng lẫy khắp nước. Kỳ vương Hồ Vinh Hoa khi được các ký giả hỏi chuyện đều luôn nhắc đến sự truyền thụ những nước cờ đầu tiên của người cha khi ấy chỉ là 1 người công nhân bình thường ở bến Thượng Hải, còn như kỳ vương Hứa Ngân Xuyên thì may mắn hơn lúc còn ấu thơ được chính cha mình, 1 người chơi cờ có tiếng ở địa phương tận tình dạy dỗ. Tân khoa Trạng nguyên Triệu Hâm Hâm thì xuất thân trong 1 gia đình doanh nhân ở Ôn Lĩnh, cha tuy bận bịu kinh doanh nhưng lại rất đam mê cờ tướng, sẵn sàng bỏ nhiều tiền của cho con học đánh cờ, sau này lại cho phép con theo nghiệp cờ với mong muốn trở thành người tài tiếng tăm nổi bật.
Để có thể trở thành những đại cao thủ như ngày nay thì cả 3 người Hồ, Hứa, Triệu đều không chỉ nhờ ở bản thân mà vẫn phải cần đến sự giúp đỡ, bồi đắp của các bậc danh sư, tài năng mới mãn thành và đạt được thành công như ý. Hồ Vinh Hoa thuở nhỏ theo học Đại Khánh tiên sinh được tập luyện bài bản mới có nhiều bước tiến sau này nhập tuyển lại được 2 lão danh thủ trứ danh toàn quốc là Hà Thuận An và Từ Thiên Lợi hết lòng đào tạo nên dù còn khá ít tuổi nhưng Hồ Vinh Hoa đã thông thạo rất nhiều chiêu thức cổ kim và lãnh hội đầy đủ tinh hoa của thế giới kỳ nghệ. Hứa Ngân Xuyên sau khi nhờ cha truyền thụ, võ công chỉ đủ để đoạt được quán quân nhi đồng sau chuyển sang theo học danh thủ Chương Hán Cường của Quảng Đông,nhờ thế kỳ nghệ mới ngày một tiến nhanh, đạt được thành công bước đầu,rồi khi 12 tuổi được nhận vào đội tuyển cờ tướng Quảng Đông có thêm sự huấn luyện nghiêm túc của các danh gia đương thời như Dương Quan Lân, Thái Phúc Như nên mới nhanh chóng thành tài và đảm đương trọng trách dành cho các kỳ thủ cao cấp nhất. Còn Hoa Đông tiểu tướng, Triệu Hâm Hâm khi còn 7, 8 tuổi vốn đã là 1 thần đồng của huyện Ôn Lĩnh. Tiểu Triệu với danh hiệu Bách chiến hoan quân khi tham gia thi đấu ở tỉnh đều gặt hái vô số thành tích và để lại rất nhiều ấn tượng khó quên. Sau đó Triệu được chuyển sang học tập với 2 danh thủ là Trần Hàn Phong và Vương Hâm Hải thì kỳ nghệ bỗng chốc đại tiến cực nhanh. Năm 14 tuổi đã đoạt được danh hiệu quan quân thiếu niên toàn Trung Quốc được danh thủ năm xưa là Tổng tiêu đầu của đội cờ Thâm Quyến là đại sư Lưu Tinh chú ý, mời vào đội cờ của mình tham chiến các giải quốc gia, sau này khi ngồi ở vị trí tiên phong tại Giải đồng đội toàn quốc năm 2002, Tiểu Triệu với 9 trận bất bại (7 thắng,2 hòa) trở thành 1 hiện tượng rất đáng chú ý của năm đó. Đặc cấp đại sư Mạnh Lập Quốc chứng kiến bước tiến thần tốc của Tiểu Triệu còn viết hẳn 1 bài đánh giá đăng trên tạp chí Kỳ nghệ công khai ngưỡng mộ tài năng của Triệu đủ thấy Triệu tuy còn nhỏ nhưng chắc chắn đã không phải là 1 kẻ tầm thường !
Dẫu biết “Tự cổ anh hùng xuất thiếu niên” chỉ bằng những căn cơ nhen nhóm, chỉ học từ chỗ đơn sơ “Mã tẩu nhật, Tượng tẩu điền, Xa hoành trực, Pháo cách sơn” mà sau vẫn có thể trở thành nhất quốc kỳ quân thì tất không thể chỉ nhờ vào mỗi có thiên tư tuyệt đỉnh trời ban mà cần phải có tinh thần mạnh mẽ, ý chí phi thường, ngày đêm rèn luyện công phu như giũa ngọc mài kim mới mong có được thành tựu to lớn sau này. Hồ Vinh Hoa dù 15 tuổi đã ở ngôi cao nhưng vẫn không hề tự mãn, vẫn một lòng học đạo 2 lão danh sư, sau cùng vận dụng như ý mới có được sự nghiệp liên bá lẫy lừng về sau. Hứa Ngân Xuyên năm 12 tuổi đã phải rời xa gia đình một mình lên tỉnh tập trung quyết tâm cầu nghệ. Triệu Hâm Hâm sau khi đoạt ngôi quán quân thiếu niên Trung Quốc nhưng tinh thần không lung lay, ngoài việc học Trung học ở trường ra thì ngày đêm vẫn không quên tập huấn nâng cao trình độ cùng các bậc đàn anh tại Trung tâm cờ tướng Hải Dương Trung của tỉnh Chiết Giang.
Hồ, Hứa, Triệu cũng như bao kỳ thủ kiệt xuất khác, xuất phát điểm thì khác nhau nhưng mục đích chung thì giống nhau là đều luôn luôn không muốn dừng lại, luôn muốn cầu tiến trong mọi tình thế của mình. Hồ Vinh Hoa khi đã quá ngũ tuần nhưng uy phong vẫn chưa hề suy giảm không phải vì tài nghệ của lão tướng quân này quá mức ổn định mà vì Hồ Vinh Hoa nhất quyết bỏ qua ý định thoái ẩn phong đao, vẫn luôn cầu mong chiến đấu, cống hiến và thách thức sự tiến lên của lớp trẻ. Hứa Ngân Xuyên sau khi đã có tên tuổi, trong suốt 10 năm đạt được vô số thành công nhưng vẫn chưa vừa lòng, tinh thần và thể lực lúc nào cũng ở trạng thái dồi dào, lâm trận là quyết thắng, phát huy hết mọi khả năng của mình. Triệu Hâm Hâm, tuổi còn trẻ, tính tình vui vẻ nhưng niềm say mê và khả năng tập trung thì rất lớn. Trước trận nói nói cười cười tự nhiên thoải mái. Trong trận nghiêm chỉnh, lặng lẽ. Sau trận vẫn chưa muốn bỏ qua, vẫn thích bình luận thêm về ván đấu. Tại giải Dương Quan Lân Bôi lần thứ 2 năm 2006 đã từng luận kiếm với Lữ Khâm đến tận nửa đêm mà chưa muốn dứt.
Hồ, Hứa, Triệu, 3 vị kỳ thủ xét về tâm lý thì dù cho tuổi đời có khác nhau nhưng phong thái thi đấu, tiến thủ thì rất mực vững vàng, bản lĩnh. Mỗi người một phong cách nhưng tựu chung lại đều ở nước cờ tự nhiên với niềm tin tuyệt đối. ”Công tâm vi thượng”, điều khiển quân cờ mà mình đang có, suy nghĩ thấu đáo, nhận xét tinh tường,tấn công vào mọi trang thái yếu kém của quân địch, buộc quân địch phải tự đầu hàng. Cách đánh biến hóa khôn lường nhưng không phát sinh kiêu ngạo, coi thường nên nhờ thế sức cờ đuợc duy trì ở mức tối thượng, đạt được vô chiêu mà thắng hữu chiêu, đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác chắc chắn không phải nhờ ở may mắn và sự ngẫu nhiên. Hồ Vinh Hoa được biết đến với phong cách chơi cờ Đa mưu thiện biến, quỷ đạo cơ binh. Hứa Ngân Xuyên nổi danh với công phu Kim Cương bất hoại, lối đánh chính thường dĩ bất biến ứng vạn biến. Triệu Hâm Hâm bản tính sáng tạo, khẳng khái, lấy nhanh thắng nhanh, lấy vô thắng vô, dùng hữu hạ hữu, bất luận cương nhu đều là hòa hợp. Hồ, Hứa, Triệu khi lâm trận thấy biến thì không sợ, cơ mưu linh hoạt, phân tích rõ ràng, đi cờ dứt khoát phản ánh trạng thái thi đấu tinh anh, sắc sảo, bền vững dài lâu.
Người Trung Quốc vốn dĩ rất tin vào mệnh trời, trong lĩnh vực cờ tướng cũng thế. Họ tin rằng các kỳ thủ kiệt xuất đều là những người có thiên tướng chiếu mệnh. Mà đã là có thiên tướng thì dù có thất bại thế nào thì vẫn có thể đứng lên đạt được những gì mong muốn. ”Khổ tâm chí, lao cân cốt, tiên nhược suy, hậu mãn thành”. Năm 1960, sau 1 vài thắng lợi rất đáng ngạc nhiên, Hồ Vinh Hoa gặp Vương Gia Lương bị danh tướng Hoa Bắc này xuất tuyệt chiêu thí quân công sát, Hồ không đỡ nổi mà thốt lên rằng ”Sát chiêu cao” nhưng dù vậy vẫn không chột dạ mà tiếp tục tiến lên. Rồi đến thời kỳ 1980 bị mất chức vô địch ở Lạc Sơn vào tay Liễu Đại Hoa, không còn xưng hùng xưng bá được nữa, tiếp đó trong các năm 1981, 1982 lại liên tục thất bại. Kỳ nghiệp đã có phần chững lại. Rút ra từ thất bại đó, Hồ Vinh Hoa thâm sơn luyện kiếm để đến năm 1983 mới quay trở lại uy chấn giang hồ đoạt được quan quân, lấy lại danh tiếng năm xưa trở thành truyền kỳ không dứt của kỳ đàn Trung Hoa đại lục. Hứa Ngân Xuyên sau 2 năm tham gia giải cá nhân toàn quốc dù sắp vinh quang nhưng lại tuột mất. Năm 1992, hội ngộ Hồ Vinh Hoa, trên thế thắng lại thất bại nên chưa thuyết phục được quần hùng nhưng sau đó vì không cam lòng mà quyết tâm phục hận đến lần thứ 3 mới có cơ hội lên ngôi, hội kiến Triệu Quốc Vinh bị Triệu dùng chủy thủ “đoản thối xa” đánh cho tan tành nhưng vẫn ngẩng đầu tiến về phía trước, cuối cùng đắc vị quán quân, xưng vương từ đó. Triệu Hâm Hâm năm 17 tuổi tham gia giải cá nhân toàn quốc bị vướng vào rắc rối bên lề bị cấm thi đấu 1 năm, sau đó bị nhiều điều tiếng không hay, đúng là 1 cú sốc khó thể vượt qua nhất là với 1 kỳ thủ tuổi đời còn quá non trẻ. Tuy nhiên Tiểu Triệu đã bỏ qua nhiều lời phê bình, không phát sinh tư tưởng chán chường bỏ nghiệp nên cuối cùng đến năm 19 tuổi vẫn được đến Nội Mông Cổ thi đấu, đánh cờ chậm không khuất phục hết chư hầu, đến khi đấu cờ nhanh tình hình lại không sáng sủa, lành ít dữ nhiều bỗng dưng tâm tư thoát ngộ liên tục đánh ra thần chiêu quái biến vào tới tận trận chung kết rồi đoạt luôn quán quân, lập nên công trạng to lớn cho quê hương mà từ đó vang danh khắp nước, trở thành ngôi sáng sáng chói trên kỳ đàn Trung Quốc ngày nay.
Hồ, Hứa, Triệu thực lực có thừa, cộng thêm tinh thần bền vững, có ý chí quật khởi mạnh mẽ, cầu tiến, có thắng có bại nhưng đều luôn coi trọng lấy đó làm bài học cho mình, sau đó nhờ vào lợi thế thiên tài trời ban mà phát huy đúng lúc đạt được công lao bậc nhất đến các danh thủ lâu năm đều phải hằng mơ ước, người bình thường chắc phải mấy mấy chục năm bỏ nhiều tâm huyết may ra mới có được thành công như thế. Họ không phải ở mức cao siêu thần thánh mà đều nhờ ở 1 khát vọng lớn lao, khai phá và nghiên cứu đầy đủ những lý thuyết cờ đã qua trở thành năng lực, tài nghệ ngấm dần vào tiềm thức của chính mình. Dựa trên nền tảng về 1 kho kiến thức vững vàng rồi từ đó biến hóa lên chứ không hề là sự ngẫu nhiên bộc phát. Hồ Vinh trong khi thi đấu các giải lớn vẫn không quên bỏ nhiêu công sức chuyên tâm xem lại các dạng khai cục cổ để cải tiến rồi bổ sung chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn của mình. Hứa Ngân Xuyên, căn bản thâm hậu coi chuyện nghiên cứu Khai cục là rất quan trọng, trong lối đánh chính thường bất biến vẫn luôn có điểm đột phá mới nhờ thế mới dành được nhiều chiến thắng vẻ vang. Triệu Hâm Hâm thừa hưởng tinh hoa trận thức của mấy trăm năm cộng lại nhưng không quá gò bó, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, trong trận vẫn can đảm đem ra thử nghiệm chiêu mới, biến hóa kỳ lạ gây bất ngờ cho đối phương.
Thời đại mới, phát triển hơn, cờ tướng chắc chắn sẽ còn có nhiều bước tiến dài mạnh mẽ, sẽ xuất hiện nhiều anh tài cờ tướng tuổi trẻ và tài cao hơn nữa. Nhưng với những gì đã qua, đã được chứng thực, đã được ghi chép tỉ mỉ, cặn kẽ, có thứ tự và khoa học hơn có thể tạm coi như kỳ đàn ngày nay mới chỉ có 3 vị tướng gia đáng được gọi là thiên tài xuất chúng vậy. Ở họ chứa đựng đầy đủ tố chất và biểu hiện hơn người đủ sức thu hút lòng người mến mộ. Hồ Vinh Hoa với 40 năm chinh chiến chói lọi đại diện cho 1 thế hệ kỳ thủ năm xưa đang trên đường khai phá lý luận và thực tiễn thi đấu khốc liệt, khẩn trương của cờ tướng hiện đại. Hứa Ngân Xuyên với kiến văn sâu sắc, tư duy sâu xa, đại diện cho thế hệ kỳ thủ đương thời vừa tiếp thu vốn cũ, vừa mở rộng phát triển nâng cao lý luận hiện đại của cờ tướng. Triệu Hâm Hâm với lối nghĩ táo bạo, phong cách tự tin, không quên tinh hoa nguồn cội đại diện cho 1 thế hệ kỳ thủ tương lai, không ngừng tìm tòi, giao lưu mở rộng, trao đổi thông tin để đi đến 1 mức độ hoàn thiện và phổ quát hơn nữa trong nghệ thuật chơi cờ.



✿◕ ‿ ◕✿   ❀◕ ‿ ◕❀   ❁◕ ‿ ◕❁   (◡‿◡✿)   (✿◠‿◠) 
[DANH THỦ] Các anh tài cờ tướng Trung Quốc  2RvaM87